Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là gì ? Vai trò của dự trữ bắt buộc

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là gì ?

Dự trữ bắt buộc hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một quy định của ngân hàng trung ương về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản. Các ngân hàng có thể giữ tiền mặt cao hơn hoặc bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc nhưng không được phép giữ tiền mặt ít hơn tỷ lệ này. Nếu thiếu hụt tiền mặt các ngân hàng thương mại phải vay thêm tiền mặt, thường là từ ngân hàng trung ương để đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là một trong những công cụ của ngân hàng trung ương nhằm thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách làm thay đổi số nhân tiền tệ.

(Trích theo nguồn wikipedia.org)

Dự trữ bắt buộc (reserve requirements) là tỷ lệ phần trăm tiền gửi mà các ngân hàng thương mại buộc phải giữ làm dự trữ theo yêu cầu của ngân hàng trung ương. Thông thường, các ngân hàng thương mại phải gửi số tiền này vào một tài khoản đặc biệt ở ngân hàng trung ương. Ngoài ra, cũng cần chú ý rằng ngân hàng trung ương thường quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác nhau cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn khác nhau.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Vai trò của dự trữ bắt buộc

Trong hoạt động tín dụng và thanh toán, các ngân hàng thương mại có khả năng biến những khoản tiền gửi ban đầu thành những khoản tiền gửi mới cho cả hệ thống, khả năng sinh ra bội số tín dụng, tức là khả năng tạo tiền. Để khống chế khả năng này, ngân hàng trung ương buộc các ngân hàng thương mại phải trích một phần tiền huy động được theo một tỷ lệ quy định gửi vào ngân hàng trung ương không được hưởng lãi. Do đó cơ chế hoạt động của công cụ dự trữ bắt buộc nhằm khống chế khả năng tạo tiền, hạn chế mức tăng bội số tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Khi lạm phát cao, ngân hàng trung ương nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khả năng cho vay và khả năng thanh toán của các ngân hàng bị thu hẹp cụ thể đó là do số nhân tiền tệ giảm, khối lượng tín dụng trong nền kinh tế giảm thì cung tiền giảm dẫn tới lãi suất tăng, đầu tư giảm do đó tổng cầu giảm và làm cho giá giảm thì tỷ lệ lạm phát giảm. Ngược lại nếu ngân hàng trung ương quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tức là tăng khả năng tạo tiền, thì cung về tín dụng của các ngân hàng thương mại cũng tăng lên, khối lượng tín dụng thì cung tiền tăng và khối lượng thanh toán có xu hướng tăng dẫn tới lãi suất giảm, đồng thời tăng xu hướng mở rộng khối lượng tiền. Lý luận tương tự như trên thì việc tăng cung tiền sẽ dẫn tới tăng giá thì tức là tỷ lệ lạm phát tăng

Như vậy từ sự phân tích như trên chúng ta thấy các công cụ dự trữ bắt buộc mang tính áp đặt trực tiếp, theo đó có thể đầy quyền lực và cực kỳ quan trọng để điều khiển lạm phát, khôi phục hoạt động kinh tế trong trường hợp nền kinh tế phát triển chưa ổn định và khi các công cụ thị trường mở tái chiết khấu chưa đủ mạnh để có thể đảm trách điều hoà mức cung tiền tệ cho nền kinh tế.

Quy định dự trữ bắt buộc ở Việt Nam

Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tỏ chức tín dụng (TCTD) phải gửi tại ngân hàng nhà nước (NHNN) để thực hiện chính sach tiền tệ (CSTT) quốc gia. NHNN quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình TCTD và từng loại tiền gửi tại TCTD nhằm thực hiện CSTT quốc gia. NHNN quy định việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của từng loại hình TCTD đối với từng loại tiền gửi.

THEO VĂN BẢN SỐ 1158/QĐ-NHNN NGÀY 29/05/2018 ÁP DỤNG TỪ NGÀY 01/06/2018

Loại TCTD Tiền gửi VND Tiền gửi ngoại tệ
Không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên Tiền gửi của tổ chức tín dụng ở nước ngoài Tiền gửi khác không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng Tiền gửi khác có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên
1. Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô 0% 0% 0% 0% 0%
2. Ngân hàng chính sách Theo quy định của Chính phủ Theo quy định của Chính phủ Theo quy định của Chính phủ Theo quy định của Chính phủ Theo quy định của Chính phủ
3. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ngân hàng hợp tác xã 3% 1% 1% 7% 5%
4. Tổ chức tín dụng khác 3% 1% 1% 8% 6%

Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận