Giá xăng dầu hôm nay 24/6/2022 trong nước và thế giới tăng nhẹ

Giá xăng dầu trong nước

Tại thị trường trong nước, chiều 21/6, Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, Liên Bộ quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với các loại xăng, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với dầu diesel ở mức 400 đồng/lít (như kỳ trước) và tăng chi Quỹ BOG đối với dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít).

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 31.302 đồng/lít; giá xăng RON95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 30.019 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.785 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 20.735 đồng/kg.

Xăng/dầu Thay đổi Giá không cao hơn
Xăng E5RON92 + 185 đồng/lít 31.302 đồng/lít
Xăng RON95-III + 498 đồng/lít 32.873 đồng/lít
Dầu diesel 0.05S + 999 đồng/lít 30.019 đồng/lít
Dầu hỏa + 946 đồng/lít 28.785 đồng/lít
Dầu mazut 180CST 3.5S + 378 đồng/kg 20.735 đồng/kg

Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 21/6. Như vậy, giá xăng dầu đã có đợt tăng 7 liên tiếp và liên tục thiết lập kỷ lục mới.

Giá xăng dầu thế giới

Reuters đưa tin, giá dầu đã giảm gần 2 USD kết thúc phiên giao dịch ngày 23-6 sau khi một loạt phát biểu khác của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell làm dấy lên lo ngại việc Mỹ tăng lãi suất sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Giá dầu thô Brent giao tháng 8 đã trượt xuống mức 110,05 USD/thùng, giảm 1,69 USD, tương đương 1,5%. Giá dầu thô giao sau WTI của Mỹ chốt phiên ở mức 104,32 USD/thùng, giảm 1,81%.

Chủ tịch Fed Powell cho biết việc Fed tập trung vào việc kiềm chế lạm phát là vô điều kiện và thị trường lao động phát triển mạnh một cách không bền vững. Thêm vào đó, người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới còn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào thời gian tới.

Các nhà đầu tư đang cân nhắc các vị thế đối với những tài sản rủi ro khi họ đánh giá liệu các ngân hàng trung ương chống lạm phát có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái với lãi suất cao hơn hay không.

Nhà tư vấn dầu mỏ Andrew Lipow tại Houston cho biết nếu Mỹ và phần còn lại của thế giới rơi vào suy thoái thì sẽ tác động đáng kể đến nhu cầu.

Robert Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai của Mizuho ở New York, đưa ra nhận xét rằng việc giá xăng cao có thể bắt đầu làm giảm nhu cầu. Ông Yawger cho biết, xăng vẫn còn dư địa để tăng. Hiện giá bán lẻ xăng của Mỹ đang ở mức trung bình 4,94 USD/gallon, giảm khoảng 10 cent so với mức đỉnh, theo AAA.

Cũng theo Reuters, mặc dù tại cuộc họp khẩn về giữa giám đốc điều hành của 7 công ty dầu mỏ Mỹ với sự tham gia của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm, không có giải pháp giảm giá cụ thể nào được đưa ra nhưng hai bên đã đồng ý làm việc cùng nhau.

Số liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 5,6 triệu thùng trong tuần trước, dự trữ xăng tăng 1,2 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất giảm khoảng 1,7 triệu thùng cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu.

Về phía cung, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), bao gồm Nga, sẽ bám sát kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 8 với hy vọng giảm giá dầu thô và lạm phát.

Hồi đầu tháng, OPEC+ đã đồng ý thúc đẩy sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu. Cam kết này tăng khoảng 50% so với kế hoạch ban đầu chỉ là thêm 432.000 thùng/ngày trước đó.

Một tín hiệu đáng mừng từ phía nguồn cung là Libya đang dần khôi phục lại sản lượng sau một thời gian dài các nhà máy lọc dầu của nước này bị đóng cửa do bất ổn chính trị. Sản lượng của Libya đã giảm hơn 1/2 trong tháng 5 và chỉ còn 100.000 thùng/ngày trong một quãng thời gian thuộc tháng 6 thay vì 1,2 triệu thùng/ngày như thường lệ.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận