Ngân hàng Trung ương Nga vừa quyết định tăng gần gấp đôi lãi suất cơ bản của nước này, từ 9,5% lên 20% khi đồng tiền của nước này xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Trong thông báo phát đi hôm nay, cơ quan này cho biết việc tăng lãi suất “được thiết kế để bù đắp rủi ro mất giá đồng ruble (RUB) và lạm phát”. Cùng với động thái này, họ cũng cho biết sẽ giải phóng 733 tỷ ruble (8,78 tỷ USD) trong dự trữ của ngân hàng địa phương để tăng tính thanh khoản.
Trong phiên giao dịch sáng nay, nội tệ Nga có thời điểm giao dịch ở mức 117,75 ruble đổi một USD, giảm 40% từ 83,75 thứ sáu tuần trước, theo dữ liệu của Bloomberg. Nguyên nhân là cuối tuần trước, Mỹ, các đồng minh châu Âu và Canada đã đồng ý cắt một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi SWIFT, hệ thống kết nối hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bipan Rai, Chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại CIBC Capital Markets, dự báo đồng tiền Nga sẽ “giảm khá mạnh” trong thời gian tới. “Tôi không thực sự có cảm giác ruble sắp chạm đáy”, ông nói. Ông dự báo với kịch bản ruble mất giá quá mạnh, ngân hàng trung ương nước này có thể phải tăng lãi suất một cách “rất mạnh mẽ”, đồng thời phải bán vàng.
Thị trường tiền tệ và chứng khoán châu Á cũng biến động lớn sáng nay, khi các nhà đầu tư cân nhắc tác động các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây với Nga. Nikkei 225 của Nhật Bản hiện giảm 0,3%, sau khi mất 0,8% đầu phiên. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mở cửa giảm nhẹ, sau đó liên tục tăng giảm trong phiên.
Yen Nhật tăng giá so với đôla Mỹ, lên khoảng 115,06 yen đổi một USD, trước khi suy yếu xuống 115,60. Giá dầu tăng vào buổi sáng trong bối cảnh nhà đầu tư thêm lo ngại về nguồn cung. Giá dầu Brent lên 105 USD mỗi thùng ngay sau khi bắt đầu giao dịch, cao hơn khoảng 7 USD so với tuần trước.
theo Nikkei, CNBC