Trong phiên giao dịch chiều ngày 31/5, giá vàng giao ngay giảm 0,23% xuống 1.850 USD/ounce vào lúc 17h49 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 8 cũng giảm 0,22% xuống 1.853 USD/ounce.
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch chiều ngày thứ Ba (31/5) và trong đà ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, vì đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý, trong khi đồng USD mạnh khiến vàng trởn nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ khác trong rổ tiền tệ, tăng 0,62% lên 101,935.
Nhìn chung, sự thể hiện của vàng trong tháng 5 đã gây thất vọng cho thị trường, với kim loại quý giảm ngay khi có tín hiệu cho thấy đồng USD tăng mạnh, trong khi không thể tìm được động lực từ sự suy yếu của đồng USD hoặc lợi suất trái phiếu Mỹ, chuyên gia phân tích cấp cao của OANDA Jeffrey Halley nhận định.
Ông cũng nói thêm rằng trừ khi xuất hiện sự leo thang mạnh mẽ về tình hình tại Đông Âu, dường như xu hướng điều chỉnh giảm của vàng có thể tiếp tục trong tháng 6.
Vàng đã giảm từ gần 1.900 USD/ounce kể từ đầu tháng xuống 1.786,6 USD vào ngày 16/5, vì đồng bạc xanh tăng vọt lên đỉnh hai thập kỷ. Kim loại quý đã phục hồi phần nào kể từ đó, theo Reuters.
Vàng trong nước thường biến động theo xu hướng giá vàng thế giới, vì vậy, giá vàng SJC có thể giảm thêm trong phiên giao dịch sáng mai (1/6).