Trong phiên giao dịch sáng ngày 3/3, giá vàng giao ngay tăng 0,08% lên 1.930 USD/ounce vào lúc 6h40 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 4 cũng tăng 0,08% lên 1.932,3 USD.
Giá vàng đã giảm 1,1% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (2/3) vì khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư phục hồi và lợi suất trái phiếu tăng cao.
Ông David Meger, giám đốc phòng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết thị trường đang ghi nhận sự sụt giảm mang động cơ kỹ thuật vì nhu cầu trú ẩn an toàn suy yếu. Thị trường chứng khoán khá ổn định.
Chứng khoán Phố Wall tăng điểm và lợi suất kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng cao hơn, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell báo hiệu việc tăng lãi suất có thể bắt đầu trong tháng này bất chấp những bất ổn xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.
Phát biểu trước các nhà lập pháp Mỹ, ông Powell cho biết tất cả cuộc họp đều được thực hiện trực tiếp và quyết định cuối cùng sẽ dựa trên dữ liệu và triển vọng sắp tới.
“Tôi cũng kỳ vọng chúng tôi sẽ đạt được tiến bộ lớn trong kế hoạch bắt đầu thu hẹp bảng tài sản. Câu hỏi thực sự bây giờ là, bất ổn tại Ukraine, cuộc chiến đang diễn ra, phản ứng từ các quốc gia trên thế giới, gồm cả các lệnh trừng phạt, có thể thay đổi kỳ vọng đó như thế nào”, ông nói thêm.
Mặc dù vàng được coi là một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn như hiện tại, nhưng nó cũng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ. Nguyên nhân là lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội của việc sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Các nhà phân tích cũng cho hay một lệnh bán lớn có thể đã chi phối biến động của giá vàng, khiến giá giảm khoảng 20 USD, nhưng không rõ ai hoặc điều gì đã thúc đẩy động thái này.
Trong khi đó, nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank lưu ý rằng giá vàng có thể tăng bất chấp việc Mỹ tăng lãi suất vào tháng 3, vì mọi thứ phụ thuộc vào diễn biến của xung đột Nga – Ukraine.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá palladium, được các nhà sản xuất ô tô sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác để hạn chế khí thải, đã tăng 3,5% lên 2.670,89 USD, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 ở 2.722,79 USD hôm 1/3.
“Với những hạn chế về nguồn cung mà thị trường lo ngại do các lệnh trừng phạt của Nga, rõ ràng là chúng ta sẽ thấy giá bạch kim và palladium tăng”, ông Meger của High Ridge Futures nói thêm.
Các quốc gia phương Tây đã tăng cường biện pháp trừng phạt đối với Nga, quốc gia chiếm 40% sản lượng palladium toàn cầu, gồm cả việc đưa một số ngân hàng Nga khỏi mạng lưới tài chính toàn cầu SWIFT.
Giá bạc giao ngay giảm 0,9% xuống 25,14 USD, trong khi giá bạch kim tăng 1,7% lên 1.070,74 USD, theo Retuers.